Giới thiệu chung

      Được thành lập từ năm 1995 theo quyết định của ĐHQGHN, Khoa môi trường,  Trường ĐHKHTN đã và đang phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu cả nước về đào tạo cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực môi trường từ trình độ đại học (Cử nhân) với các chương trình chuẩn và chất lượng cao, đến trình độ sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ). Năm 2010, Khoa bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên Chương trình tiên tiên – liên kết với trường đại học hàng đầu của Mỹ (Đại học Indiana) đào tạo Cử nhân Khoa học môi trường theo quyết định của BGD&ĐT. Sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo của Khoa có nền tảng kiến thức vững chắc, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp tốt, tự tin trong giao năng giao tiếp tiếng Anh. Ngoài đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu hàng đầu về lĩnh vực môi trường, hiện Khoa còn có đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học làm giảng viên kiêm nhiệm từ các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; các cơ quản quản lý nhà nước như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
     Trung tâm Nghiên cứu, quan trắc và mô hình hóa môi trường và hệ thống các phòng thí nghiệm với thiết bị hiện đại trị giá nhiều triệu USD được liên tục đầu tư trong nhiều năm qua cho phép triển khai phân tích chính xác các thành phần môi trường không khí, nước, đất; đo nhanh, quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường; đáp ứng nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ cao của cán bộ và sinh viên. 
     Các phòng thí nghiệm của Khoa được xây dựng với quy mô hiện đại, có đội ngũ cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên, cộng tác viên và kỹ thuật viên được đào tạo trong và ngoài nước, làm việc chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại; cho phép triển khai phân tích chính xác các thành phần môi trường không khí, nước, đất; đo nhanh, quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường, phân tích và nghiên cứu thực phẩm. Trung tâm Tư liệu – thư viện môi trường với hàng nghìn sách và tài liệu,  trong đó có trên 500 đầu sách bằng tiếng Anh do Vương quốc Bỉ tài trợ, hàng trăm giáo trình do Khoa biên soạn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của cán bộ và học tập của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. 
     Chương trình đào tạo của Khoa đã được kiểm định bởi tổ chức kiểm định quốc tế và được điều chỉnh hàng năm theo xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực môi trường trên Thế giới và Việt Nam; tập trung vào các mục tiêu: xây dựng chính sách phát triển bền vững và chiến lược bảo vệ môi trường; ứng dụng các công cụ và mô hình toán học, sinh thái, tin học vào việc quản lý môi trường, quy hoạch môi trường, kiểm soát ô nhiễm và đánh giá môi trường; ứng dụng và phát triển công nghệ phù hợp phục vụ xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn, đất ô nhiễm và cải tạo phục hồi ô nhiễm môi trường vùng; nghiên cứu cơ bản về khoa học môi trường, khoa học đất, sinh thái môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học, trồng rừng, bảo vệ và cải tạo đất canh tác, đất trống đồi trọc; hoạch định chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên; hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên,…
     Đặc biệt, từ năm 2020 ĐHQGHN chính thức cho phép tuyển sinh ngành Khoa học và công nghệ thực phẩm trình độ đại học nhằm tăng cường nguồn lực cho xã hội về lĩnh vực: Công nghệ chế biến thực phẩm; Kiểm định chất lượng và an toàn thực phẩm; Thực phẩm và dinh dưỡng cộng đồng; Thực phẩm chức năng; Độc học thực phẩm…
Tập thể cán bộ Khoa môi trường đã và đang chủ trì triển khai nhiều đề tài nghiên cứu và dự án khoa học trong nước và hợp tác quốc tế thuộc chương trình nghiên cứu cấp nhà nước KC.08, biến đổi khí hậu, chương trình Tây Bắc, Tây Nguyên, các chương trình hợp tác khoa học với nhiều tổ chức khoa học trong và ngoài nước, như SIDA-SAREC, VLIR, KOICA, GOOGLE DRAFT, OXFAM, SAUNAC, UNDP, Erasmus+…
     Sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Khoa được tạo điều kiện tham gia các đề tác nghiên cứu khoa học do các thầy cô chủ trì; tham gia thực tập thực tế, thực tập sản xuất; tham gia học tập và trao đổi theo các đề án hợp tác đào tạo của Khoa với các trường đại học ở nước ngoài; cũng như trực tiếp nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm hiện có trong Khoa. Nhờ vậy, sinh viên Khoa Môi trường hằng năm thường dành được nhiều giải thưởng khoa học cao của các tổ chức quốc tế (như Honda Foundation, Sony Green Discovery,...), giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Triết lý giáo dục: Học để áp dụng, học từ thực tiễn
Các chương trình đào tạo 
Đại học
1. Ngành Khoa học môi trường
Mục tiêu đào tạo:
Về kiến thức: Chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và cơ sở của ngành Môi trường; phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu, giảng dạy và điều hành trong lĩnh vực Quản lý môi trường, Sinh thái môi trường, Độc học môi trường, các thành phần môi trường đất, nước, không khí;
Về kỹ năng: Trang bị cho sinh viên các kỹ năng phân tích, phát hiện, đánh giá và dự báo những vấn đề môi trường đã, đang và sẽ xẩy ra, năng lực thực thi, tổ chức các công cụ quản lý, biện pháp giảm thiểu, khắc phục, phòng tránh những tác động có hại đến môi trường;
Tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm;
Về thái độ: Đào tạo cử nhân Khoa học môi trường có phẩm chất chính trị, sức khoẻ tốt, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng phục vụ cộng đồng, nắm vững kiến thức hiện đại về tài nguyên môi trường phục vụ sự phát triển bền vững đất nước.
Triển vọng nghề nghiệp:
Sinh viên ngành Khoa học môi trường sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực nhận công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước, môi trường công nghiệp, công nghệ cao, các trường đại học,viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ về lĩnh vực môi trường; triển khai và tham gia nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, công ty.
Một số hướng nghiên cứu chủ yếu:

Quản lý môi trường, luật và chính sách môi trường, nghiên cứu ô nhiễm khí quyển, quản lý tài nguyên môi trường biển đảo, quản lý môi trường lưu vực, kinh tế môi trường, đánh giá tác động môi trường, đánh giá chiến lược môi trường, quy hoạch môi trường, quan trắc và mô hình hóa môi trường. nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về lĩnh vực khoa học đất, nông nghiệp và môi trường đất, trong đó tập trung vào quản lý bảo vệ độ phì đất và dinh dưỡng cây trồng; quy hoạch và sử dụng bền vững đất đai; quan trắc, quản lý và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới trong xử lý đất ô nhiễm, cải tạo phục hồi đất thoái hóa; Nghiên cứu phân tích và phục hồi chức năng môi trường của các hệ sinh thái, tác động môi trường tới các hệ sinh thái, đánh giá đa dạng sinh học; An toàn môi trường và phát triển bền vững; Nghiên cứu tai biến sinh thái và tác động của chúng tới hệ sinh thái; Ứng dụng các phương pháp sinh học phân tử hiện đại, bẫy ảnh để điều tra các loài quý hiếm và mô hình hóa phân bố loài trong điều kiện hiện nay và dưới tác động của biến đổi khí hậu. 

Thông tin chi tiết 

2. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường
Mục tiêu đào tạo:
Về kiến thức: Chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, cập nhật và hiện đại nhất về công nghệ môi trường nói chung và kỹ thuật xử lý chất thải nói riêng (nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn, đất ô nhiễm…) công nghệ giảm thiểu ô nhiễm; phương pháp nghiên cứu, xử lý chất thải, kỹ thuật quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường cập nhật và hiện đại. Những kiến thức trang bị cho sinh viên đại học vừa mang tính hiện đại vừa có thể ứng dụng vào điều kiện của Việt Nam; kiến thức cơ bản về nguyên lý công nghệ đặc biệt chú ý đến các phương pháp bền vững và thân thiện với môi trường. 
Về kỹ năng: Trang bị cho sinh viên các phương pháp nghiên cứu chất thải, kỹ thuật phân tích, đánh giá công nghệ xử lý, kỹ thuật lựa chọn các phương pháp xử lý, kỹ năng điều tra, xử lý số liệu. 
Tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm.
Về thái độ: Đào tạo cử nhân kỹ thuật môi trường có phẩm chất chính trị, sức khoẻ tốt, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng phục vụ cộng đồng, nắm vững kiến thức hiện đại về tài nguyên môi trường phục vụ sự phát triển bền vững.
Triển vọng nghề nghiệp:
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường có đủ năng lực làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước,  môi trường công nghiệp, công nghệ cao; giảng dạy, nghiên cứu, quản lý tại các trường đại học và cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học; các nhà máy xí nghiệp, công ty và khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật môi trường, môi trường và khai thác tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ gìn và cải tạo chất lượng môi trường.  Ngoài ra có thể làm việc tại các cơ quan, tổ chức quốc tế.
Một số hướng nghiên cứu chủ yếu:

Công nghệ xử lý nước thải, xử lý nước cấp; Công nghệ xử lý khí thải và ô nhiễm không khí; Công nghệ xử lý chất thải rắn, chôn lấp chất thải, xử lý rác thải; Công nghệ xử lý chất thải nguy hại; Sử dụng phương pháp mô hình toán học trong công nghệ môi trường; Phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; Kiểm toán chất thải; Kiểm soát ô nhiễm môi trường…

Thông tin chi tiết 

3. Ngành Khoa học và công nghệ thực phẩm
Mục tiêu đào tạo:
Về kiến thức: Chương trình đào tạo trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn toàn diện của ngành khoa học và công nghệ thực phẩm; Được trang bị đầy đủ kiến thức của ngành để áp dụng cho công tác chuyên môn về công nghệ chế biến thực phẩm, quản lí giám sát, kiểm định chất lượng thực phẩm, công tác quản lí, kỹ thuật giám sát chất lượng từ nguyên liệu, chế biến, vận chuyển, bảo quản và tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm. 
Về kỹ năng: Trang bị cho sinh viên các kỹ năng thực hành, làm việc độc lập, các kỹ năng lập luận để đưa ra giải pháp về các vấn đề chuyên môn. Có tư duy phân tích đa chiều, logic; Vận dụng đưa kiến thức vào thực tế, phát triển bản thân, khởi nghiệp, các kỹ năng làm việc nhóm, quản lí lãnh đạo, giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ bậc 3/6 để phục phụ cho các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thực phẩm.
Về năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm: Tốt nghiệp chương trình đào tạo, người học có khả năng làm việc độc lập, tự chủ, sáng tạo, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm.
Về thái độ: Có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ tốt, nắm vững kiến thức hiện đại về khoa học và công nghệ thực phẩm.
Triển vọng nghề nghiệp:
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội làm việc tại Các cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, các Viên nghiên cứu, Các công ty, tập đoàn lớn về thực phẩm; Các trường đại học, cao đẳng, Các tổ chức quốc tế, Quản lý tại các chuỗi nhà hàng khách sạn, hoặc khởi nghiệp tự tạo việc làm cho mình và cho bạn
Một số hướng nghiên cứu chủ yếu:

Công nghệ chế biến thực phẩm; Kiểm định chất lượng và an toàn thực phẩm; Thực phẩm và dinh dưỡng cộng đồng; Thực phẩm chức năng; Độc học thực phẩm;

Thông tin chi tiết 

4. Ngành Khoa học đất

Mục tiêu đào tạo:
Về kiến thức: Chương trình đào tạo trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và hiện đại về khoa học đất để phục vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và công tác trong các lĩnh vực: sử dụng hợp lý tài nguyên đất nhằm phát triển bền vững nông lâm nghiệp, quản lý đất nhiệt đới, quy hoạch sử dụng đất và đánh giá tác động đến tài nguyên và môi trường đất gây nên do các hoạt động sản xuất và đời sống của con người.
Về kỹ năng: Trang bị cho sinh viên các kỹ năng phân tích, phát hiện, đánh giá và dự báo những vấn đề đã, đang và sẽ xảy ra, và có thể nhận biết các quá trình hình thành đất, các loại đất ngoài thực địa và phương pháp đánh giá, tổng hợp các số liệu phân tích. Lý giải mối quan hệ biện chứng giữa các quá trình trong đất – nước – phân bón và cây trồng bằng những kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành được đào tạo.
Tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm.
Về thái độ: Đào tạo cử nhân Khoa học đất có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ tốt, nắm vững kiến thức hiện đại về tài nguyên môi trường phục vụ sự phát triển bền vững đất nước.
Triển vọng nghề nghiệp:
Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học đất  công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý đất đai, có đủ năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ngành; trực tiếp lập các dự án về quản lý và sử dụng đất, đề xuất các biện pháp cải tạo và đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất đến tính chất đất, đến các hệ thống nông nghiệp đặc biệt ở các vùng nhiệt đới và quy hoạch môi trường đất, hoặc trực tiếp chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý tài nguyên đất; các lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Một số hướng nghiên cứu chủ yếu:

Hoá học đất, dinh dưỡng khoáng và cây trồng; Các quá trình thoái hóa đất và biện pháp cải tạo đất thoái hóa: Quá trình sa mạc hóa, phèn hóa, mặn hóa, chua hóa đất...; ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế xã hội, các tác động của sự thay đổi các điều kiện tự nhiên đất, nước, không khí; Xử lý chất thải nông nghiệp, triển khai ứng dụng trong thực tế; ô nhiễm đất, các quá trình lan nhiễm, tác động đến môi trường và hệ sinh thái, các biện pháp kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường đất; Quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên đất; Ứng dụng viễn thám và GIS trong nghiên cứu và quản lý tài nguyên đất; Hệ thống nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái học và sản xuất nông nghiệp bền vững; Sinh thái môi trường đất.

Thông tin chi tiết 

  • Website cựu sinh viên