Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có đội ngũ thành viên đa năng, đa tài. Trong số đó, phải kể đến TS. Phạm Văn Lập - nhà khoa học, người thầy giáo tận tình theo hướng đổi mới, người dẫn dắt huy chương Olympic Sinh học quốc tế (IBO) về cho Việt Nam.
TS. Phạm Văn Lập - nhà khoa học, người dẫn dắt huy chương Olympic Sinh học quốc tế (IBO) về cho Việt Nam.
VH3 và những dấu ấn trưởng thành
Vốn thức thời, dự kiến tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ phát triển, Phạm Văn Lập đầu tư học tiếng Anh ngay từ khi mới ra trường. Vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Komensky trở về nước, ông và mấy người bạn đã mời thầy bên trường ngoại ngữ dạy riêng tiếng Anh, mỗi buổi 7 đồng, trong khi mức lương hồi đó của ông chỉ là 72 đồng/tháng!
Khi bộ môn Di truyền học xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học hợp tác với các trường đại học Hà Lan, sau này thành chương trình Hợp tác Quốc tế giữa các Trường Đại học Việt Nam - Hà lan (NUFFIC) dưới dạng Dự án VH3, với vốn tiếng Anh của mình, ông Lập đã có thể tham gia chương trình từ những ngày đầu.
VH là chương trình hợp tác lớn mà Khoa Sinh học có may mắn được dự phần: VH4 và VH3. VH4 do Đại học Nông nghiệp chủ trì, một bộ phận của GS. Mai Đình Yên tham gia nhưng cũng chỉ được giai đoạn đầu và kết thúc sớm; còn VH3 kéo thêm giai đoạn 3 là điều hiếm thấy ở các VH khác, cũng là do sự thành công của hai giai đoạn trước đó. Những gì tôi nêu lên ở đây chỉ là một phần nhỏ của dự án hợp tác quốc tế với Hà Lan có liên quan đến TS. Phạm Văn Lập mà thôi.
Ở pha 1 của dự án (bắt đầu từ đầu những năm 1980), Dr. Van Hemert chủ trì và GS. Lê Đình Lương là người điều phối phía Việt Nam, chủ yếu cho các nghiên cứu về sinh học thực nghiệm. Ngày đó, ông Lập cùng nhóm di truyền động vật do ông Tạ Toàn làm nhóm trưởng đã thiết lập Dự án hợp tác quốc tế với Viện nghiên cứu nguyên tử thuộc trường Đại học Nông nghiệp Wageningen (Hà Lan) về “Nghiên cứu phòng trừ muỗi sốt xuất huyết bằng biện pháp bất dục đực”, từ đó khởi nguồn kết nối cho sự phát triển sau này. Do công sức lao động miệt mài mà Phạm Văn Lập cùng ông Robinson (người Anh, chuyên gia về phòng trừ ruồi muỗi bằng phương pháp bất dục đực tại Viện ITAI, Wageningen) công bố được một công trình trên tạp chí di truyền danh giá: HEREDITY và một công trình khác được đăng trong Proceedings của IAEA, nơi ông đã sang Vienna đọc báo cáo về Di truyền tế bào muỗi sốt rét.
Sang pha 2 của VH3 (giai đoạn này TS. Robinson đồng chủ trì; phía Việt Nam, GS. Trương Quang Học làm điều phối), nhóm của Lập cùng với Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tập trung nghiên cứu về những loài đồng hình của muỗi sốt rét ở Việt Nam.
Ngoài tham gia đề tài VH3 nghiên cứu di truyền tế bào muỗi, TS. Phạm Văn Lập còn chủ trì đề tài “Chọn giống ong mật và bảo tồn vốn gen các giống ong mật Việt Nam” cùng với Trung tâm Nghiên cứu Ong Trung ương, được Quỹ Quốc tế về Khoa học Thụy điển (IFS - International Foundation for Science) hai lần tài trợ và một tổ chức phi chính phủ ở Hà Lan đồng tài trợ. Cũng từ đó TS. Phạm Văn Lập là cố vấn khoa học cho Trung tâm nghiên cứu ong Việt Nam, thuộc Công ty ong Trung ương.
Sau này TS. Phạm Văn Lập cũng chủ trì đề tài: “Nghiên cứu nuôi sâu xanh phục vụ mục tiêu phòng trừ côn trùng bằng biện pháp bất dục đực”. Đề tài này được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tài trợ. (Với các công trình nghiên cứu của mình, ông đã tham gia hướng dẫn được 2 luận án tiến sĩ).
Do hai pha trước của VH3, các đồng nghiệp khoa Sinh học đã làm tốt nên phía Hà Lan chấp thuận kéo sang giai đoạn 3.
Lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy với các chuyên gia Anh và Hà Lan. Ảnh: Nguyễn Long
Pha 3 của dự án VH3 sang giai đoạn mới: Dr. Ron Marchand chủ trì và Tom Sprey là người điều phối của VH 3A. Pha này tập trung cho giảng dạy (tuy vẫn tồn tại đề tài của thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khác) cho nên Trưởng Khoa trực tiếp quản lí. Từ đây, TS. Phạm Văn Lập có nhiều gắn bó với các hoạt động về giảng dạy từ đại học, đến trung học và các kì thi học sinh giỏi, thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO).
TS Phạm Văn Lập và Dr. Tom Sprey, VH3A. Ảnh: Nguyễn Long
Trong pha này, phía bạn gửi nhiều chuyên gia Hà Lan và Anh sang mở các lớp tập huấn không chỉ riêng cho khoa Sinh học mà còn cho đại diện các trường như: ĐHSP Hà Nội, Đại học Vinh… Phía Việt Nam cũng gửi một số cán bộ sang Hà Lan thực tập. Trong số những người đi tập huấn, TS. Phạm Văn Lập được cử đi học về phương pháp xây dựng chương trình giảng dạy tại Hà Lan. Sự kiện này đã làm thay đổi công việc của Lập từ đó.
Nhờ các kiến thức học được từ Hà Lan, TS. Phạm Văn Lập đã ứng dụng cho công tác giảng dạy ở các cấp từ đại học đến trung học, được mời giảng dạy cho Khoa Sư phạm, nay là Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN về xây dựng chương trình đào tạo, viết giáo trình và phương pháp giảng dạy Sinh học, đồng thời hướng dẫn các luận án tốt nghiệp đại học và thạc sĩ.
TS. Lập còn viết sách giáo khoa Sinh học cho cấp trung học phổ thông với đối tượng chuyên ban khác nhau. Các sách giáo khoa Sinh học lớp 10 và lớp 12 ông viết từ năm 2003 đến nay vẫn được các giáo viên và học sinh đánh giá cao. Hiện giờ, ở tuổi nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn miệt mài tham gia viết sách Sinh học mới cho các lớp 10, 11 và 12 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống).
Bộ sách mới Sinh học 10 mà TS. Phạm Văn Lập là chủ biên kiêm tổng chủ biên.
Huấn luyện học sinh giỏi quốc gia và đội tuyển thi Olympic Sinh học
Năm 1995, TS. Phạm Văn Lập được Bộ GD&ĐT cử tham dự cuộc thi Olympic Sinh học Quốc tế (IBO) tại Thái Lan với tư cách quan sát viên.
Năm 1996, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học, chọn được 4 học sinh đưa đi dự thi Olympic quốc tế Sinh học (IBO) tổ chức ở Crime, Ukraina. Năm đó, TS. Phạm Văn Lập là Trưởng đoàn học sinh giỏi quốc gia. Rất tiếc, năm đầu tiên đi thi, đoàn Việt Nam không giành được huy chương.
Sau cuộc thi này, TS. Phạm Văn Lập nhận thấy, nếu không có cách đào tạo đặc biệt thì học sinh Việt Nam khó có thể thành công ở đấu trường quốc tế. Ý định thành lập khối Chuyên Sinh học được Khoa, Trường đề xuất và được Bộ GD&ĐT chấp thuận.
Lớp chuyên Sinh học khóa I. TS. Phạm Văn Lập đứng hàng trên, thứ 6 từ trái qua.
Ngay khóa đầu tiên, khối Chuyên Sinh học của ĐHKHTN, ĐHQGHN đã có hai học sinh đạt được hai huy chương Olympic Sinh học quốc tế.
Năm 2001, Đoàn Việt Nam đã có huy chương Vàng ở Olympic Sinh học quốc tế
Từ năm 1996 cho đến khi Việt Nam tổ chức thành công kỳ thi IBO năm 2016, qua 20 năm, TS. Phạm Văn Lập (với tư cách trưởng đoàn) đã cùng các đồng nghiệp dẫn dắt học sinh Việt Nam đạt được nhiều huy chương IBO các loại, góp phần làm vẻ vang cho đất nước.
Trong công tác giảng dạy các lớp chuyên Sinh học, TS. Phạm Văn Lập đã mạnh dạn cho học sinh đánh giá giáo viên sau mỗi học kỳ. Học sinh chuyên Sinh học được TS. Phạm Văn Lập định hướng thành các nhóm: (1) thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, (2) du học trong và sau khi học hết THPT và (3) thi vào các trường đại học khác nhau tùy theo năng lực sở thích. Các phương pháp giảng dạy sẽ lựa theo từng nhóm.
Với phương pháp giảng dạy mới (phát huy năng lực tiềm ẩn của từng học sinh, giáo viên phải phát hiện tố chất nổi bật cũng như hạn chế của từng học sinh để tư vấn cho các em chọn ngành, chọn trường đại học), học sinh chuyên Sinh học của trường ĐHKHTN đã thi đỗ vào nhiều Trường đại học có uy tín, theo đuổi nhiều ngành nghề đa dạng như: báo chí, ngoại giao, kinh tế, xây dựng; nhiều em theo hướng giảng dạy, nghiên cứu hoặc theo đuổi ngành y. Đến nay, nhiều học sinh Khối Chuyên sinh học của Trường đã trở thành tiến sĩ, bác sĩ có uy tín công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các bệnh viện lớn trong nước cũng như nghiên cứu khoa học và làm việc tại các nước trên thế giới. Sự đóng góp của TS. Phạm Văn Lập cùng các đồng nghiệp đã góp phần đưa học sinh Trường THPT Chuyên KHTN nhiều năm đạt thành tích thi đại học ở nhóm 10 trường xuất sắc nhất cả nước.
TS. Phạm Văn Lập cho biết: Hai mươi năm đưa học sinh đi thi Olympic Sinh học quốc tế, có biết bao chuyện vui buồn và cả vất vả không kể xiết. Chẳng hạn như: lúc đầu Bộ GD&ĐT chỉ cử hai thầy dẫn đoàn đi và đảm nhận dịch tất cả 7 phân môn Sinh học. Đây là điều rất khó khăn; người dịch phải thức thâu đêm suốt sáng.
Lần đưa đoàn đi thi ở Litva, kẻ cắp lấy mất hết hộ chiếu của học sinh, GS. Nguyễn Mộng Hùng - thành viên của đoàn - phải sang Moskva nhờ Đại sứ quán ta cấp lại. Chưa hết, lại còn gặp cảnh: học sinh trong đoàn sau thời gian tập huấn đem lòng cảm mến nhau. Khi đi tham quan, những học sinh này thường lẩn tránh để đi riêng. Các thầy lại phải nghĩ cách: một thầy đi trước, một thầy đi sau cùng để “khóa đuôi”. Ấy thế mà nhiều khi “bọn nhất quỷ nhì ma này” vẫn tìm được cách trốn để gần bên nhau. Sự việc làm các thầy cô nhiều phen hoảng hồn.
Kỉ niệm 20 năm thành lập Khối chuyên Sinh học trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội. TS. Phạm Văn Lập - người thứ 5 từ bên phải.
Sau nhiều năm tham gia dẫn đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế thành công cùng với những thành tích công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, TS. Phạm Văn Lập đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về công tác đào tạo học sinh giỏi quốc gia. Từ khi nghỉ hưu cho đến nay, TS. Phạm Văn Lập vẫn tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi theo lời mời của nhiều đơn vị trong cả nước.
TS. Phạm Văn Lập là người gốc Hải Phòng. Năm 1972, ông tốt nghiệp chuyên ngành Di truyền học tại Đại học tổng hợp Komensky ở Bratislava, Tiệp Khắc (quê hương của Gregor Mendel, nay là Slovakia) với tấm bằng đỏ xuất sắc. Trở về nước năm 1973, ông nhận công tác tại Bộ môn Di truyền học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu.
|
GS.TS. Nguyễn Bá
Nguyên Trưởng khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN
Trích từ Facebook Ba Nguyen.