Ngày 4/12/2024, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã tổ chức chuỗi bài giảng với chủ đề “Dự báo hạn hán và nắng nóng sử dụng phương pháp vật lý và dự báo dựa trên cơ sở dữ liệu” và “Hạn hán và nắng nóng hỗn hợp”. Chuỗi bài giảng là một trong số các hoạt động trao đổi học thuật được triển khai với sự phối hợp giữa Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Đại học Indiana trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER).
Không khí tại buổi hội thảo
Hội thảo vinh dự có sự tham dự của GS.TS. Andreas H. Fink, Viện Nghiên cứu Khí tượng và Khí hậu, Viện Công nghệ Karlsruhe, CHLB Đức cùng các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khí hậu. Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Ngạc An Bang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên bày tỏ niềm vui mừng được chào đón các chuyên gia quốc tế và Việt Nam tới tham dự hội thảo. PGS.TS. Ngạc An Bang khẳng định Nhà trường luôn sẵn sàng ủng hộ những dự án hợp tác giữa Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học nói riêng và Trường ĐHKHTN nói chung với Viện Công nghệ Karlsruhe không chỉ trong lĩnh vực khí tượng, khí hậu mà còn trong các lĩnh vực liên quan như vật lý, trí tuệ nhân tạo,...
PGS.TS. Ngạc An Bang phát biểu khai mạc hội thảo
Tại hội thảo, GS.TS. Andreas H. Fink đã trình bày các nghiên cứu về dự báo hạn hán và nắng nóng thông qua hai phương pháp: dựa trên vật lý (phương pháp truyền thống) và dựa trên dữ liệu (sử dụng sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo). Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi thời thiết đối lưu và giông bão thường xuyên xảy ra, gây khó khăn cho các mô hình dự báo cổ điển. Do đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và mô hình dữ liệu đang trở thành xu hướng nhằm cải thiện độ chính xác của dự báo thời tiết.
GS.TS. Andreas H. Fink chia sẻ các phương pháp mới trong công tác dự báo vùng nhiệt đới tại hội thảo
GS.TS. Andreas H. Fink hy vọng sự kết hợp giữa phương pháp truyền thống và trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, hỗ trợ các cơ quan dự báo và nhà nghiên cứu trong việc đưa ra các cảnh bảo nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai.
GS.TS. Phan Văn Tân (bên trái) cùng GS.TS. Andreas H. Fink tại hội thảo
GS.TS. Phan Văn Tân, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Mô hình hoá khí hậu khu vực và biến đổi khí hậu chia sẻ về mối quan hệ hợp tác bền chặt với nhóm nghiên cứu của GS.TS. Andreas H. Fink tại Viện Nghiên cứu Khí tượng và Khí hậu, Viện Công nghệ Karlsruhe kể từ năm 2012. Hai nhóm đã cùng thực hiện nhiều nghiên cứu có giá trị và công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế. GS.TS. Phan Văn Tân nhấn mạnh rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khí tượng không chỉ mang đến những đột phá trong dự báo mà còn mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu mới.
Đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia và học viên trong lĩnh vực khí tượng tới tham dự và trao đổi tại hội thảo
Hội thảo đã mang đến những thông tin và phương pháp mới, góp phần nâng cao kỹ năng dự báo khí hậu cho các nhà khoa học, các chuyên gia, học viên và sinh viên. Đồng thời, sự kiện cũng mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Viện Công nghệ Karlsruhe, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nghiên cứu khí tượng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Việt Nam.
PGS.TS. Ngạc An Bang cùng các đại diện Nhà trường và Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học trao tặng quà kỉ niệm tới GS.TS. Andreas H. Fink
Viện Công nghệ Karlsruhe (The Karlsruhe Institute of Technology - KIT) được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trường Đại học Karlsruhe và Trung tâm Nghiên cứu Karlsruhe vào năm 2009. KIT mang tới một cộng đồng học thuật đa dạng với khoảng hơn 23.000 sinh viên theo học trong môi trường tích cực và năng động. Các lĩnh vực đào tạo của KIT bao gồm: Kỹ thuật; Vật lý; Vật lý lượng tử và Hạt; Hoá học; Hoá học hữu cơ; Khoa học vật liệu; Khoa học môi trường; Sinh học; Khoa học máy tính; Nghệ thuật tự do và Khoa học xã hội.
|