Sáng ngày 30/10/2024, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã diễn ra cuộc họp “Hội đồng Điều phối Dự án SATREPS lần thứ nhất”. Tham gia cuộc họp có đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Khoa học Công nghệ Nhật Bản (JST), đại diện Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Tài nguyên và Môi trường (InNET), lãnh đạo Trung tâm Điều tra, Thông tin và Dữ liệu về Môi trường, Đa dạng Sinh học (CEBI), lãnh đạo ĐHQGHN, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cùng các thành viên Ban điều hành Dự án.
Các đại biểu tham dự cuộc họp hội đồng điều phối dự án lần thứ nhất
Dự án SATREPS, do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Tokyo (Nhật Bản) hợp tác triển khai, hướng đến giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam. Đây là dự án trong khuôn khổ Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững (SATREPS), được tài trợ bởi JICA và Cơ quan Khoa học Công nghệ Nhật Bản (JST). Mục tiêu của dự án là phát triển công nghệ chế tạo thiết bị phân tích nhanh, dễ sử dụng, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác kiểm soát an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng môi trường.
Đại diện Ban điều hành Dự án cho biết, nhiều công nghệ tiên tiến đang được nghiên cứu phát triển, như thiết bị thử nghiệm hóa học hiện trường sử dụng công nghệ vi lưu, và hệ thống giám sát môi trường tích hợp cảm biến vật lý và khoa học dữ liệu. Chính phủ và các ngành công nghiệp Việt Nam cũng tham gia dự án này, giúp đảm bảo tính ứng dụng và triển khai các kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả trong thực tế. Dự án còn đặt mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ phân tích xuất sắc, thông qua các khóa học cấp chứng chỉ, dựa trên nền tảng hợp tác giáo dục về hóa phân tích giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Waseda và Đại học Tokyo.
Ngoài các lĩnh vực môi trường, dự án còn mở rộng nghiên cứu sang chẩn đoán y tế, khoa học dữ liệu và khoa học chính sách. Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, sự hợp tác chặt chẽ về giáo dục, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn giữa Việt Nam và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn phát biểu khai mạc cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Giám đốc ĐHQGHN, Phạm Bảo Sơn, bày tỏ sự hài lòng trước những kết quả bước đầu của dự án. PGS.TS. Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghệ và xây dựng năng lực cho nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác với các đối tác Nhật Bản, đồng thời triển khai các ứng dụng công nghệ giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội.
Ngài SR. Yoshitomo Kubo phát biểu tại cuộc họp
Đại diện JICA tại Việt Nam, ngài SR. Yoshitomo Kubo, cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ dự án của lãnh đạo ĐHQGHN, lãnh đạo Trường ĐHKHTN, nỗ lực không ngừng của GS.TS. Nguyễn Văn Nội và các thành viên trong nhóm nghiên cứu. Ông bày tỏ tin tưởng rằng sự hợp tác sẽ tiếp tục giúp dự án tiến triển đúng kế hoạch, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về giám sát chất lượng môi trường tại Việt Nam, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội.
Trong cuộc họp, đại diện các nhóm nghiên cứu đã trình bày tiến độ và kết quả đã đạt được, đồng thời lãnh đạo các bên cùng thảo luận về kế hoạch tài chính và triển khai cho giai đoạn tiếp theo. Các bên cùng đánh giá kỹ lưỡng những thách thức hiện tại và cam kết hỗ trợ dự án đạt mục tiêu.
GS. Kazuma Mawatari, Giám đốc Dự án phía Nhật Bản và GS.TS. Nguyễn Văn Nội, Giám đốc Dự án phía Việt Nam trình bày về dự án
Kết thúc cuộc họp, tất cả các bên đã có cái nhìn tổng quan và cụ thể hơn về tiến trình dự án. Dự kiến, vào năm 2025, trung tâm thí nghiệm mới tại Hòa Lạc sẽ đi vào hoạt động, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hướng tới sự phát triển bền vững trong lĩnh vực môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Một số hình ảnh tại cuộc họp:
PGS.TS. Trần Đình Trinh đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và TS. Hidekatsu Tazawa, Đại học Waseda, Nhật Bản trình bày kết quả thực nhiệm của nhóm nghiên cứu số 1 liên quan đến Các thiết bị phân tích tại chỗ được phát triển để theo dõi bốn kim loại nặng (Hg, Cd, As, Pb) trong nước.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hà và ông Yoshinori Otsuki trình bày về tiến độ và kế hoạch triển khai của nhóm nghiên cứu số 2 về Tài liệu kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng các trạm quan trắc được xây dựng thông qua việc cải tạo các nguồn không khí và nước chính tại tỉnh Bắc Ninh
GS.TS. Nguyễn Văn Nội và TS. Hidekazu Tazawa trình bày kết quả triển khai và kế hoạch cho nhóm nghiên cứu số 3 về Phát triển các thiết bị phân tích công nghệ cao dễ vận hành và nguồn nhân lực cho kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm và môi trường
PGS.TS. Từ Bình Minh và GS. Kazuma Mawatari trình bày các vấn đề liên quan đến hoạt động nghiên cứu của nhóm số 4
Nhóm số 4 trình bày kết quả và kế hoạch triển khai giai đoạn sắp tới
Các bên cùng thảo luận về những vấn đề của dự án tại cuộc họp