Sáng ngày 2/12/2024, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã tổ chức lễ khai mạc lớp tập huấn “Đào tạo, Phát triển và Vận hành hệ thống giám sát hồ đập lưu vực sông Hồng”. Đây là sự kiện hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Trường ĐHKHTN), Viện Khoa học Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Stimson - Hoa Kỳ, Trung tâm Giám sát dữ liệu toàn cầu Eyes on Earth - Hoa Kỳ, Chương trình Đại sứ Chuyên gia Nước, và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Chương trình nhằm nâng cao năng lực giám sát các hồ chứa dọc lưu vực sông Hồng - một trong những khu vực quan trọng nhất về tài nguyên nước tại Việt Nam, và ảnh hưởng của chúng đến dòng chảy và mực nước tại nước ta. Lớp tập huấn chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho người học và cán bộ thuộc Khoa Khí tượng Thủy văn Hải dương học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN trong công tác theo dõi hồ chứa, ước tính dòng chảy tự nhiên và tác động của các hồ đập, thiết lập hệ thống dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giám sát dòng chảy sông Hồng. Thông qua khóa học, học viên sẽ nắm vững công nghệ giám sát hiện đại sử dụng dữ liệu vệ tinh, công nghệ SAR và Google Earth Engine.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Ngạc An Bang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới. PGS.TS. Ngạc An Bang cho biết, chương trình mang đến cơ hội để các nhà nghiên cứu trẻ học hỏi từ các tổ chức hàng đầu như Trung tâm Stimson và Eyes on Earth - những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong giám sát hồ đập và quản lý tài nguyên nước toàn cầu. Nhân dịp này, thay mặt Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, PGS.TS. Ngạc An Bang trân trọng gửi lời cảm ơn tới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã tích cực hỗ trợ sự hợp tác giữa Nhà trường với các tổ chức của Hoa Kỳ trong đó có các trường đại học và viện nghiên cứu.
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước, đặt ra thách thức lớn trong việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho cộng đồng và môi trường. Những biến đổi về nhiệt độ, lượng mưa và dòng chảy trên các dòng sông không chỉ đe dọa đến sinh kế của hàng triệu người mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, công nghiệp và đang dạng sinh học. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và phát triển các mô hình giám sát hiện đại cho hồ chứa, dòng chảy và trạm đo đã trở thành yêu cầu cấp thiết để đối phó hiệu quả với những thách thức này.
Bà Marji Christian, Trưởng Phòng Năng lượng, Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Y tế, Phòng Kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội khẳng định chương trình tập huấn là minh chứng cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Khi cả hai nước chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025, sự kiện này đánh dấu cho mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai bên, hướng tới một tương lai chung được xây dựng trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như đã được nêu trong Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Bà Marji Christian cũng khẳng định dự án là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của hai quốc gia trong việc đối mặt với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là an ninh môi trường và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy một tương lai xanh và ổn định hơn cho hai quốc gia.
Lễ khai mạc lớp tập huấn có sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và những người quan tâm
Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 02 - 12/12/2024 với sự tham gia của các giảng viên quốc tế và trong nước. Nội dung đào tạo bao gồm:
- Nâng cao năng lực cho các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn và năng lực thực hành cho người học chuyên ngành khí tượng thủy văn và hải dương học trong giám sát mực nước hồ chứa, dòng chảy, quan trắc khí hậu thông qua khai thác dữ liệu vệ tinh thời tiết.
- Giới thiệu quy trình giám sát tiên tiến, khoa học và mô hình quy trình mẫu hoạt động cho một số hồ đập, phân tích tác động của nó đến dòng chảy hạ lưu thông qua các phương pháp thu thập dữ liệu hiện đại.
- Đào tạo tăng cường năng lực cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực và một số nhóm nghiên cứu của Việt Nam để hiểu, sử dụng và tích hợp dữ liệu từ nền tảng trực tuyến vào phân tích và vận hành tác nghiệp.
PGS.TS. Ngạc An Bang trao quà lưu niệm tới bà Marji Christian; TS. Brian Eyler Alfred, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Năng lượng, Nước và phát triển bền vững tại Trung tâm Stimson và TS. Alan Neil Basist, Chủ tịch Trung tâm giám sát dữ liệu toàn cầu Eyes on Earth
PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, Trưởng Khoa Khí tượng, Thuỷ văn và Hải dương học, Trường ĐHKHTN cho biết lớp tập huấn không chỉ trang bị kiến thức chuyên sâu mà còn đặt nền móng cho sự phát triển của hệ thống giám sát thông minh. Chương trình tập huấn mong muốn phát triển thành công một nền tảng trực tuyến giúp giám sát theo thời gian thực các hoạt động của hồ đập, góp phần cải thiện công tác khai thác nguồn nước, năng lượng theo hướng ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu tại nước ta.
PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang trình bày về các thách thức trong công tác giám sát các hồ chứa dọc lưu vực sông Hồng
Lưu vực sông Hồng đóng vai trò sống còn trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Sự kiện này là bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo quản lý và khai thác bền vững tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy một tương lai xanh cho khu vực.
Một số hình ảnh các nhà quản lý, các nhà khoa học trao đổi tại lớp tập huấn