Giới thiệu chung

Khoa Địa chất được thành lập từ năm 1966, là một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học có uy tín trong nước. Nhiều cán bộ, sinh viên đã học tập, công tác tại Khoa hiện là các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản, khoa học công nghệ và ứng dụng trong các lĩnh vực quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu khí, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tai biến thiên nhiên,...

Khoa Địa chất hiện có có đội ngũ giảng viên trình độ cao (2 giáo sư, 8 phó giáo sư, 16 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 6 thạc sĩ). Cán bộ giảng dạy của Khoa luôn gắn kết chặt chẽ công tác giảng dạy với yêu cầu thực tế của xã hội, kết hợp với các nhà quản lý, nhà khoa học có uy tín trong các lĩnh vực dầu khí, môi trường, xây dựng, khai thác khoáng sản và quản lý tài nguyên, góp phần nâng cao tính cập nhật, khả năng thích ứng với công việc thực tế của người học. Mối liên kết đào tạo này đồng thời cũng là cầu nối quan trọng giúp sinh viên hiểu và tìm được công việc thích hợp khi ra công tác. Trong những năm qua, nhiều sinh viên của Khoa đã được trao học bổng và nhận vào công tác tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và Viện nghiên cứu lớn trên cả nước.

Thông qua các dự án đầu tư chiều sâu với nguồn kinh phí lớn, Khoa đã và đang có một hệ thống phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại phục vụ tốt cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ở trình độ cao, đáp ứng tốt các yêu cầu đa dạng của thực tiễn. Bên cạnh đó, Khoa là đơn vị mạnh trong việc xây dựng và triển khai các đề tài lớn trong nước và hợp tác Quốc tế, tạo điều kiện rất thuận lợi cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, thực tập chuyên môn và khóa luận tốt nghiệp. Các sinh viên có kết quả học tập tốt có nhiều cơ hội tiếp tục theo học thạc sĩ và tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt là ở các Trường là đối tác truyền thống của Khoa tại Đức, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ,...

Hiện nay, Khoa đang đào tạo khoảng 500 sinh viên thuộc ba ngành: Địa chất, Kỹ thuật Địa chất, Quản lý tài nguyên và Môi trường.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản ngành Địa chất, kiến thức chuyên sâu và cập nhật những tiến bộ khoa học Địa chất thế giới và Địa chất Việt Nam. Rèn luyện cho sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học, làm việc độc lập, kỹ năng tổ chức hợp tác thực hiện nhiệm vụ và khả năng trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ.

"Học tập chủ động, học đi đôi với hành"

1. Ngành Địa chất học

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản ngành Địa chất, kiến thức chuyên sâu và cập nhật những tiến bộ khoa học Địa chất thế giới và Địa chất Việt Nam. Rèn luyện cho sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học, làm việc độc lập, kỹ năng tổ chức hợp tác thực hiện nhiệm vụ và khả năng trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên được đào tạo theo chương trình Quốc tế của Trường Đại học Illinois (Mỹ) bằng tiếng Anh nên sau khi tốt nghiệp có trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) giỏi, đủ năng lực làm việc ở trong các viện, cơ quan nghiên cứu về lĩnh vực Khoa học Trái Đất, Dầu khí, cơ quan quản lý nhà nước, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp thi công xây dựng cơ sở hạ tầng, các công ty thăm dò, khai thác khoáng sản ở trong và ngoài nước. Tham gia thực hiện các phương án đo vẽ bản đồ địa chất khoáng sản, các dự án và đề tài quản lý, đánh giá tác động môi trường, phát triển bền vững lãnh thổ và lãnh hải phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ trong và ngoài nước.

Các hướng đào tạo đang tập trung: Nghiên cứu phân tích các cấu trúc địa chất và các quá trình địa chất phục vụ tìm kiếm khai thác dầu khí, xây dựng các cầu cảng, các công trình thuỷ điện, đường giao thông, quy hoạch lãnh thổ; công nghệ khai thác tài nguyên, gia công chế tác các loại ngọc và đá quý; kiến thức hiện đại về hệ thống thông tin địa lý và viễn thám – một công cụ mạnh hiện nay, phục vụ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

2. Ngành Kỹ thuật địa chất

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản ngành Địa kỹ thuật – Địa môi trường cơ bản và hiện đại, cập nhật những tiến bộ khoa học về Địa kỹ thuật, Địa môi trường, Địa vật lý ứng dụng ở Việt Nam và trên Thế giới. Rèn luyện cho sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp làm việc độc lập, khả năng tổ chức hợp tác trong thực hiện nhiệm vụ và khả năng trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc tại các viện, các trung tâm, các tổng công ty về xây dựng, giao thông, thủy lợi, các sở giao thông công chính, khoa học – công nghệ, tài nguyên – môi trường của các tỉnh và thành phố, tham gia thực hiện các dự án về địa chất công trình và địa chất thủy văn, đánh giá tác động môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững lãnh thổ và lãnh hải. Giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Các hướng đang tập trung đào tạo, nghiên cứu: cấu trúc nền móng công trình, giải pháp xử lý các nền đất yếu, khắc phục sự cố công trình (cầu, cảng, đập thuỷ điện, móng nhà cao tầng); ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí và công nghệ xử lý; các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu các tai biến như động đất, núi lửa, lũ lụt, trượt lở, nứt đất, sóng thần; các phương pháp địa vật lý hiện đại (địa chấn, điện, từ, trọng lực, phóng xạ,...) nghiên cứu vỏ Trái Đất, tìm kiếm khoáng sản, đặc biệt là dầu khí, nước ngầm, nghiên cứu cấu trúc và bảo vệ nguyên trạng các công trình cổ.

3. Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường

Nước ta là một quốc gia giàu có về tài nguyên (tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên địa chất,...) nhưng đội ngũ cán bộ về quản lý tài nguyên thiên nhiên còn rất hạn chế và chưa được đào tạo theo một hệ thống. Trước đòi hỏi của đất nước và xu thế hội nhập khu vực và Quốc tế, Khoa Địa chất được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân Quản lý tài nguyên thiên nhiên từ năm 2008. Chương trình đào tạo được liên kết với Trường Đại học Kinh tế – ĐHQG Hà Nội cho phép sinh viên có nhu cầu học bổ sung các kiến thức cần thiết để cấp hai bằng ”Quản lý Tài nguyên thiên nhiên” và ”Kinh tế phát triển”.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kiến thức cơ bản, hiện đại về các khoa học Trái Đất, khoa học quản lý tài nguyên thiên nhiên và các kiến thức sâu về quản lý tài nguyên thiên nhiên. Rèn luyện phương pháp nghiên cứu khoa học, làm việc độc lập, tổ chức hợp tác trong các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, có khả năng tổng hợp, xử lý tài liệu và trình bày báo cáo các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc tại viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý kinh tế và khoa học cấp Trung ương đến các cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên: Sở Tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, thành phố, phòng Tài nguyên và môi trường cấp huyện, thị trong cả nước, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ trong và ngoài nước Các hướng đang tập trung đào tạo, nghiên cứu: các khoa học Trái Đất, tài nguyên thiên nhiên, khoa học quản lý.

  • Website cựu sinh viên