Tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới thách thức các nhà khoa học

Sáng ngày 19/6/2024, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khoẻ con người: Thách thức và giải pháp. Chương trình do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Quỹ VinFuture phối hợp tổ chức.

Đây là hội thảo thứ hai, nằm trong chuỗi sự kiện kết nối InnovaConnect do Quỹ VinFuture khởi xướng nhằm mang những trí tuệ hàng đầu thế giới đến gần hơn nữa với cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam.

Tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới thách thức các nhà khoa học

Ban tổ chức và diễn giả chụp ảnh trước thềm hội thảo.

Tham dự hội thảo có GS. Ming Hung Wong, Đại học Giáo dục Hong Kong, GS. Kenneth M. Y. Leung, Đại học Thành phố Hong Kong (Trung Quốc); TS. Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành quỹ VinFuture; đại diện Quỹ Nafosted; các nhà khoa học đến từ nhiều Trung tâm, Viện nghiên cứu, Trường Đại học trên cả nước; các thầy cô, các em sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN.

Tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới thách thức các nhà khoa học

GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN đang phát biểu khai mạc hội thảo.

Chủ đề khoa học của hội thảo Innova Connection lần hai liên quan đến ô nhiễm môi trường và tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới. Đây là vấn đề quan trọng và được quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây. Vừa qua, PGS.TS Trần Mạnh Trí, Khoa Hoá học, Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN, đã vinh dự được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 - giải thưởng khoa học quốc gia có uy tín cao nhất tại Việt Nam - nhờ cụm 3 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành: kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen - góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp. (PGS.TS Trần Mạnh Trí là thành viên nhóm nghiên cứu mạnh “Quan trắc và đánh giá rủi ro các độc chất hữu cơ trong môi trường” do PGS.TS. Từ Bình Minh - một trong ba diễn giả của hội thảo - làm trưởng nhóm).

Tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới thách thức các nhà khoa học

TS. Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành quỹ VinFuture đang phát biểu.

Là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hóa học môi trường và độc chất sinh thái, 3 diễn giả chính của chương trình đã đem đến các bài trình bày cập nhật liên quan đến chủ đề hội thảo. Trong đó, GS. Ming Hung Wong, Đại học Giáo dục Hong Kong đã có bài trình bày về Quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cổ điển và các hóa chất mới nổi: Bài học từ các dự án của UNEP/GEF; GS. Kenneth M. Y. Leung, Đại học Thành phố Hong Kong trình bày về Những tiến bộ trong nghiên cứu về các chất ô nhiễm mới nổi: Từ quan trắc đến hợp tác toàn cầu để quản lý ô nhiễm hiệu quả; PGS.TS. Từ Bình Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN thuyết trình về Những thành tựu nghiên cứu trong 2 thập kỷ qua về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và chất gây rối loạn nội tiết (EDCs) tại Việt Nam và quan điểm về hợp tác nghiên cứu trong khu vực và toàn cầu.

Tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới thách thức các nhà khoa học

GS. Ming Hung Wong, Đại học Giáo dục Hong Kong đang thuyết trình.

Theo GS. Ming Hung Wong, Đại học Giáo dục Hong Kong, các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và các hóa chất mới nổi tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người. Cụ thể, chúng có thể gây ung thư, suy giảm sinh sản, rối loạn hệ miễn dịch và phát triển, rối loạn nội tiết, nguy cơ giảm khả năng sinh sản, gây mất đa dạng sinh học,…

Kinh nghiệm từ các dự án của UNEP/GEF đã thực hiện, cần nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về hợp tác, chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực giữa các bên liên quan. Bằng cách thực hiện các biện pháp quản lý bền vững, chúng ta có thể giảm thiểu một cách hiệu quả các tác động bất lợi của các chất POPs thông thường và các hóa chất mới nổi đáng lo ngại, từ đó đảm bảo một tương lai lành mạnh và bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới thách thức các nhà khoa học

GS. Kenneth M. Y. Leung, Đại học Thành phố Hong Kong đang thuyết trình về vấn đề: Những tiến bộ trong nghiên cứu về các chất ô nhiễm mới nổi: Từ quan trắc đến hợp tác toàn cầu để quản lý ô nhiễm hiệu quả.

Tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới thách thức các nhà khoa học

PGS.TS. Từ Bình Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đang trình bày về “Những thành tựu nghiên cứu trong 2 thập kỷ qua về chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và chất gây rối loạn nội tiết (EDCs) tại Việt Nam và quan điểm về hợp tác nghiên cứu trong khu vực và toàn cầu”.

Tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới thách thức các nhà khoa học

Sau phần thuyết trình là chương trình thảo luận, trao đổi ý kiến giữa diễn giả và người tham dự xung quanh vấn đề tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khoẻ con người, thách thức và giải pháp xử lý.

Tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới thách thức các nhà khoa học

GS.TS. Phạm Hùng Việt, Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền Vững, Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN đang trao đổi tại hội thảo.

Tác động độc hại của các hóa chất hữu cơ mới thách thức các nhà khoa học

Cuối hội thảo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN và Trường Năng lượng và Môi trường, Đại học Thành phố Hồng Kông, Trung Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU), mở ra cơ hội hợp tác, gắn bó giữa hai bên trong thời gian tới.

Với đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao cùng những thành tựu về nghiên cứu khoa học, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN đã khẳng định mình là một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam về khoa học cơ bản và công nghệ. Trường đã và đang có quan hệ đối tác với nhiều đơn vị học thuật, tổ chức xã hội và công nghệ được công nhận trên toàn thế giới. 

  • Website cựu sinh viên